Khi phát hiện đứa con bé bỏng của mình bắt đầu “yêu”, các phụ huynh sẽ tự hỏi không biết đấy là cảm xúc gì, có phải yêu thực sự? Làm sao bạn có thể kiềm lòng không chất vấn hay áp đặt những cái nhìn của mình lên tình yêu của bọn trẻ? Và bạn phải ứng xử ra sao trước những cảm xúc đầu đời đó của con trẻ?
Ảnh minh họa
Theo tiến sĩ, trong độ tuổi mới lớn, việc trẻ quan tâm tới bạn khác phái quá sớm có phải là biểu hiện bình thường?
Lứa tuổi 13- 16 là giai đoạn dậy thì nhạy cảm, con bạn có những thay đổi về tâm sinh lý khiến trẻ dễ rơi vào tình trạng “nắng mưa” thất thường. Tuổi dậy thì cũng là tuổi nổi dậy ở trẻ, quá trình thay đổi này bắt đầu từ não bộ, tuyến yên sinh ra lượng hoocmon lớn tác động lên buồng trứng (tăng độ bài tiết estrogen) hoặc lên tinh hoàn (tạo nhiều kích thích tố sinh dục). Những thay đổi đó khiến trẻ phát triển nhanh về thể lực, thay đổi lớn về hệ thần Kinh – nội tiết. Và cũng kéo theo hàng loạt những chuyển biến vê tâm lý, tình cảm.
So với trước kia, tuổi dậy thì của trẻ ngày nay đến sớm hơn. Việc tò mò tìm hiểu bạn khác giới là sự phát triển tâm sinh lý bình thường. Bên cạnh đó, thông tin mà các em tiếp cận được từ phim ảnh, sách báo… rất phong phú cũng là nhân tố quan trọng dẫn tới hiện tượng yêu sớm. Nếu trẻ không có những hành vi lệch lạc, hay đi quá giới hạn thì đó cũng là những biểu hiện bình thường của trẻ ở lứa tuổi này.
Nhưng khi trẻ con chưa nhận thức đầy đủ thì liệu những rung động đầu đời này có gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của trẻ?
Trong độ tuổi dậy thì, khi đã biết rung động, trẻ thường muốn thể hiện mình là người lớn. Do đó, khi yêu, trẻ có 2 chiều hướng: hưng phấn, có ý chí phấn đầu cao hơn hoặc ngược lại, nếu không được hướng dẫn, chia sẻ đúng cách, cộng với những tác động xấu của môi trường, trẻ dễ bị cuốn theo những rung cảm giới tính, những điều mà các em lầm tưởng là tình yêu chân chính.
Có thể nói, tình yêu tuổi học trò là nền móng đầu tiên cho sự phát triển mối quan hệ nam nữ khi trưởng thành. Những rung động đầu đời thường để lại ấn tượng đậm nét và không dễ gì phai trong ký ức. Nhiều người may mắn có được những kỷ niệm đẹp thuở học trò. Và những kỷ niệm ấy giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống của mình khi lớn lên. Nhưng cũng không ít người luôn sống trong ám ảnh, khổ sở bởi tình cảm đầu đời không trọn vẹn… Bởi thế, chính sự giáo dục của cha mẹ sẽ giúp trẻ tìm ra hướng đi đúng đắn cho mình.
Có đôi khi những rung động đầu đời này lại gây ra hậu quả đáng tiếc. Thế nên khi phát hiện con mình yêu sớm thì phụ huynh phải ứng xử ra sao?
Các bậc phụ huynh khi phát hiện con mình biết “yêu” thì nên bình tĩnh, không nên can thiệp thô bạo hay phản ứng quá gay gắt, thậm chí cấm đoán con giao tiếp với bạn khác phái. Chính những phản ứng đó sẽ đẩy con trẻ vào tình trạng lo sợ và tìm cách đối phó. Hơn nữa, ở lứa tuổi này, khi bị ngăn cản, phản đối tình yêu, trẻ có xu hướng trở nên quyết liệt hơn để bảo vệ cái mà trẻ cho là “tình yêu chân chính” của mình. tình yêu tuổi học trò đôi khi chỉ là những giây phút bâng khuâng, xao xuyến, các bậc phụ huynh đừng nên nghiêm trọng hóa vấn đề, để rồi có những phản ứng sai lầm dẫn đến nhiều hậu quả không đáng có. Ngược lại, nếu bình tĩnh chia sẻ với con, hướng dẫn con, có khi những tình cảm nhẹ nhàng đó sẽ là động lực giúp trẻ học tốt hơn, sống có mục đích hơn.
Cảm ơn tiến sĩ Duy về những giải đáp này chúc tiến sĩ luôn vui, khỏe
8 bí quyết cần nhớ để làm bạn với con trong giai đoạn dậy thì