Cho đến tận giây phút này, sau khi con trai đã tròn 1 tuổi, chị Thanh Huyền (33 tuổi, hiện đang sống tại thành phố Vinh, Nghệ An) vẫn không thể quên được cuộc chiến giành giật sự sống cho con. Nhớ lại tất cả những gì đã trải qua, chị chắc chắn rằng kỳ tích đã đến với mẹ con chị. Bởi bất ngờ sinh non khi mới hơn 7 tháng tuổi, chỉ nặng 1350gram, cậu bé Ủn Ỉn không những phải nằm lồng ấp mà còn phải hứng chịu đủ thứ bệnh từ tim, gan, phổi, tinh hoàn, mắt, máu… ròng rã ập đến. Thế nhưng may sao Ủn Ỉn vẫn kiên cường vượt qua được tất cả những thử thách đó để giữ được sự sống cho mình và nụ cười của mẹ, của gia đình.
Ủn Ỉn khi hơn 1 tháng tuổi, được về với mẹ nhưng vẫn chỉ bé như chuột con.
Truyền thuốc giữ thai không nổi, chấp nhận sinh non khi thai 7 tháng
Chị Thanh Huyền kể lại: “Năm ngoái, mình dự sinh vào ngày 22/11, nhưng chiều ngày 6/9 đã thấy lâm râm. Càng về chiều, cơn đau lại càng dày. 6h chiều, mình một mình đi khám, bác sĩ kết luận: Thai 28 tuần, nặng 1,3kg, dọa sinh non”. Mình bị ra huyết, đã mở 2 phân. Bác sĩ bảo gọi người nhà đến và yêu cầu nhập viện khẩn cấp. Mình không nghĩ được gì, lo lắng tột độ, gọi cầu cứu hết người này đến người khác. May sao cuối cùng cũng nhờ được em gái vào làm thủ tục nhập viện”.
Chị Huyền được chuyển thẳng vào phòng sinh, bác sĩ chỉ định truyền thuốc để giữ thai vào lúc 7h tối. Điện thoại không được cầm theo người, một mình trong phòng sinh, chị Huyền cứ thế hoảng loạn, hoang mang, bụng đau, nước mắt không ngừng chảy. Mỗi lần đau là bụng lại ra máu, áo quần mặc ướt sũng, không có gì để thay. Y tá nhắc chị không được khóc, phải bình tĩnh vì nếu khóc càng làm tăng cơn đau nguy hại đến em bé. Chị lại cố nuốt nước mắt, mà nước mắt nhiều quá kìm nén vẫn không nổi.
Lần sinh con vừa đặc biệt, vừa ám ảnh nhất trần đời chắc chắn là điều chị Huyền không bao giờ quên được.
3h sáng ngày 7/9, sau khi truyền hết 1 chai, chị Huyền cảm thấy tạm ổn. Sang chai thứ 2, cơn đau thưa hơn, chị mệt ngủ thiếp đi. Đến 6h sáng, chị chợt tỉnh vì đau nhói và được chuyển qua phòng chờ sinh. Ra ngoài được gặp bà ngoại, chị yên tâm hẳn. Nhưng lúc này cũng là khi chị thấy đau hơn, tay bám chặt giường mà cứ rung theo từng cơn. Ra ngoài chưa được 2 phút, chị lại phải quay về phòng sinh ban đầu. Khám trong mở 4 phân, chị được tiêm và truyền thuốc liên tục, người cứ thế bị đuối sức vì đói và mệt, cứ thế lịm dần đi.
“Lúc đó mình chỉ mơ hồ nghe các bác sĩ, y tá gấp gáp xung quanh. Người lấy quạt sấy, người lấy chăn. Mình sốt 39,5 độ, trong khi đó người đang run bật vì lạnh. “Tiêm ngay!”, “Giảm sốt chưa?”, “Vẫn sốt!”, “Lấy nước ấm chườm cho bệnh nhân”, “Tiêm tiếp”, “Tiếp tục chườm”… là những tiếng mình nghe trong vô thức. Thỉnh thoảng lại có người mở mắt mình ra, bấm đèn dọi vào. “Không được ngủ, dậy! Tỉnh chưa, tỉnh đi, không được ngủ! Nếu ngủ không sinh được, con sẽ ngạt đấy!”, tiếng gọi bên cạnh khiến mình cứ thế tỉnh dần”, chị Huyền kể lại.
Ra đời quá sớm khiến Ủn Ỉn không ng ừng phải đối mặt với biết bao nhiêu thử thách.
Đến 9h sáng ngày 7/9, bụng chị Huyền đau quặn. Biết không thể giữ em bé trong bụng lâu hơn, bác sĩ đành tháo truyền để chị sinh bé. Khoảng gần 12h trưa, em bé Ủn Ỉn ra đời, nặng 1350gram. Ngay lập tức vừa ra khỏi bụng mẹ, em bé sinh non được chuyển lên khoa cấp cứu sơ sinh đặc biệt để nằm lồng kính và thở oxi do phổi chưa trưởng thành, bé chưa tự thở được. Kể từ đó, Ủn Ỉn trải qua hành trình dài với không biết bao nhiêu kỳ tích được xác lập để kiếm tìm sự sống dành cho mình.
Về nhà sau khi chào đời hơn 1 tháng, người nhỏ bằng cái chai
“Mình ngóng con từng giờ, sinh con ra mà chưa kịp nhìn thấy khuôn mặt của con. Theo dõi bảng sức khỏe của con, mình thấy con phải nhịn. Mấy ngày sau đó vẫn chưa ăn được, phải truyền dịch qua tĩnh mạch. Sữa chỉ ăn được mỗi lần 2-3ml để kích thích nhu động ruột. Con chưa nạp được, có ngày ăn xong còn bị nôn hết. Rồi lượng sữa tăng lên đến 5-7ml, rồi 10ml, 15ml. Con nhỏ tí bằng cái chai thôi, tay chỉ bằng ngón chân cái của người lớn, đầu con nằm gọn trong lòng bàn tay mẹ”, chị Huyền xót xa nhớ lại.
Năm đầu tiên, Ủn Ỉn ở viện nhiều hơn ở nhà.
Mỗi ngày chỉ được gặp con 30 phút, lần nào chị cũng khóc. Bác sĩ luôn chỉ thông báo ngắn gọn: “Con đáp ứng thuốc nhưng bác không nói trước được điều gì. Có thể bây giờ con có tiến triển tốt nhưng chiều không biết như thế nào”. Chị nhìn những em bé cùng phòng ra viện trong niềm vui, nghĩ đến con mình dây quấn quanh người, ăn phải ăn xông luồn dây từ miệng xuống dạ dày, dây thở oxi, dây đo nhịp tim… mà đau thắt ruột.
Cuối cùng rồi cũng đến ngày Ủn Ỉn được ra ngoài, không phải nằm lồng kính, cai máy không phải thở oxy máy nữa. Đó là ngày 23/9, lần đầu tiên chị Huyền được gần con như thế. Bàn tay con nhỏ xíu, đỏ hỏn, non nớt vì tính ra con giờ mới 30 tuần tuổi.
Ngày 29/9, sau khi sinh con được 22 ngày, chị Huyền được vào ở ghép để học cách chăm con. Chỉ đến lúc này, chị mới được ôm con vào lòng, ủ ấm hơi mẹ cho con. Nhưng điều quan trọng nhất ngoài quan sát lịch sinh hoạt của con, còn là để ý nếu con tím tái ngừng thở thì phải học cách cấp cứu khẩn cấp là búng tay vào lòng bàn chân. Cố làm sao để con khóc, khóc càng to càng tốt, để con thở và tỉnh trở lại. Mỗi lẫn con như thế, chị Huyền cảm giác như mình có thể đứng tim ngừng thở theo vì sợ hãi. Nhưng may là Ủn Ỉn vẫn tỉnh lại để cho mẹ tỉnh theo.
Ngày 9/10, sau khi sinh được 1 tháng 2 ngày, bé Ủn Ỉn chính thức được ra viện. Cân nặng của bé lúc này là 1,6gram. Thế nhưng về nhà được ít ngày, chị Huyền lại phải bế con vào Khoa máu – Tiêu hóa của bệnh viện để truyền máu khi con bị thiếu máu nặng. Sau 4 ngày nằm viện, Ủn Ỉn được ra viện. Chuỗi ngày ra vào khắp các bệnh viện cũng từ đó bắt đầu.
Các bác sĩ luôn phải hội chẩn liên tục trước tình trạng của Ủn Ỉn.
Kỳ tích từ sức sống quật cường của cậu bé sinh non
Có lẽ việc sống sót khi sinh non lúc hơn 7 tháng tuổi vẫn chưa là gì cả so với những gì mà sau đó Ủn Ỉn phải trải qua. Hai tuần đầu tiên của tháng đầu tiên về nhà, mỗi tuần ccon hỉ tăng lên 1gram. Hai tuần kế tiếp đó tăng thêm được 4gram nữa. Khi đi tiêm phòng mũi đầu tiên vào ngày 10/11, con nặng 2,4kg.
Ngày 16/11, Ủn Ỉn bị nghẹt mũi. Xuống viện khám, bác sĩ đã báo con bị viêm phổi nặng, suy hô hấp, phải nhập viện. Con không thở được, phải thở oxy, cơ thể nhỏ bé nằm lọt thỏm trên chân mẹ. Bàn chân và tay cơ man nào là những vết tiêm chuyền. 14 ngày nằm viện, đến khi ra viện vẫn chưa đỡ. Về nhà được ít ngày, 2 mẹ con lại khăn gói ra Hà Nội, vào bệnh viện Nhi Trung ương khám tổng thể lần thứ nhất.
Kết quả khám khiến chị cảm thấy sốc nặng: “Bác sĩ kết luận đủ thứ bệnh: Tim hở van ba lá (nhẹ), tim có 1 ống động mạch đóng chưa hết, u máu gan (6mm), tràn dịch màng tinh hoàn, mắt chưa trưởng thành, trong máu thiếu sắt. Nghe đến u máu gan, mình hoang mang, đi hỏi bác sĩ. Bác sĩ hướng dẫn tất cả 1 tháng sau đi kiểm tra lại, nếu mọi thứ bình thường hoặc có xu hướng giảm thì tốt . Còn nếu phát triển thì lúc đó mới có chỉ định của bác sĩ . Vì con giờ còn quá nhỏ và yếu để can thiệp”.
Hết đợt này đến đợt khác, Ủn Ỉn lại cùng mẹ khăn gói vào viện, chịu đựng những mũi tiêm và những ngày dài đằng đẵng với mùi thuốc, dây rợ.
Ngày 5/1/2019, khi thấy con có hiện tượng khò khè khó thở, chị Huyền đưa con đi khám và một lần nữa lại phải nhập viện. Chị quyết định ra viện Nhi trung ương lần 2, vào khoa Hồi sức cấp cứu chống độc và tiến hành các thủ tục xét nghiệm, siêu âm cầm thiết. Kết luận Ủn Ỉn bị viêm tiểu phế quản phổi. “Bác sĩ nói vì con có tiền sử bị u máu gan nên bác sẽ cho đi xét nghiệm 1 định lượng gì đó trong máu. Nếu định lượng thấp thì con ổn, còn nếu định lượng đó cao, khả năng con sẽ bị ung thư. Nghe đến thế thôi, nước mắt mình đã chảy dài, cứ nhìn sang con hình dung đủ thứ chuyện”, chị Huyền nhớ lại.
May phúc làm sao, Ủn Ỉn thoát khỏi tình huống xấu nhất. Nhưng con vẫn phải nằm viện theo dõi liên tục. Sau 3 ngày nằm viện, con được chuyển về bệnh viện tỉnh điều trị tiếp vì quá tải. Nhưng cứ hết đợt này đến đợt khác, về nhà được vài ngày là Ủn Ỉn lại phải nhập viện vì viêm phổi nặng, hai mẹ con lại gói gém đồ đạc vào viện. Đỉnh điểm nhất là sáng ngày 27/3, con bị mệt dần, không thở được, đi ngoài ra máu, bác sĩ ở bệnh viện tỉnh khám và quyết định chuyển cho con ra bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị.
6h30 phút tối 27/3, con nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, không tự thở được. Các bác sĩ khám và hội chẩn, phác đồ điều trị tích cực nhất. Mỗi ngày đều 3 phát tiêm và 3 lần thở khí dung sáng, trưa, tối. Cứ như thế, chú lính chì dũng cảm oằn mình chịu đựng. Dù mệt đến mấy, Ủn Ỉn vẫn cười khi mẹ hay cô y tá hỏi trêu. Những ngày sau đó còn đằng đẵng hơn nữa khi cứ độ dăm bữa nửa tháng, con lại tiếp phải nhập viện. Khi thì viêm phổi, khi lại nổi ban, khi lại sốt cao 3 ngày không đỡ. Từng đợt con nằm viện khiến chị Huyền như muốn kiệt quệ.
Cậu bé sinh non hôm nào nay đã ra dáng, đã vững vàng hơn rất nhiều khi tròn 1 tuổi.
Nhưng rồi giông bão cũng qua, cậu bé sinh non ngày nào nay trộm vía đã ổn hơn, đã có thể cùng mẹ thổi nến chúc mừng trong ngày sinh nhật. Dù phổi vẫn còn yếu, chưa có sức đề kháng, chớm thay đổi thời tiết là con vẫn ho, khò khè nhưng không khó thở nữa. Nhìn lại chặng đường dài trong 1 năm qua, chị Thanh Huyền vẫn không thể nghĩ được là hai mẹ con mình đã mạnh mẽ đến thế. Chị luôn muốn cảm ơn bà ngoại đã luôn ở bên cạnh 2 mẹ con chị bất kể thời gian nào, dù nắng mưa, đêm ngày, dù thân bà có mệt mỏi hay đau nhức, hay cùng lúc phải trông cả 3 đứa cháu cũng không một lời kêu ca.
Thông qua câu chuyện của mình, chị Huyền mới gửi gắm đến các mẹ khác niềm tin rằng cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều kỳ diệu. Dù các mẹ có sinh non, con có ốm đau triền miên hay gì đi nữa, cũng hãy mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con. Chỉ cần bên con có mẹ thì con sẽ có động lực rất lớn để kiên cường, khỏe mạnh. Có những thời điểm, để đổi lấy một nụ cười của con, mẹ chấp nhận đánh đổi bằng mấy năm tuổi thọ của mình.