Rong kinh là một triệu chứng gây bối rối cho các bé gái cũng như các bà mẹ có con trong tuổi dậy thì. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng đôi khi cũng cần phải điều chỉnh để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cơ thể trong giai đoạn này và về sau.
Một chu kỳ kinh nguyệt ở một phụ nữ trưởng thành khỏe mạnh bình thường sẽ kéo dài trong khoảng từ 28 đến 32 ngày. Trong đó, thời gian hành kinh xuất hiện từ ngày thứ nhất đến ngày thứ ba hoặc ngày thứ năm của chu kỳ sau đó chấm dứt hẳn.
Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài trên bảy ngày, có tính chu kỳ lặp đi lặp lại theo chu kỳ kinh nguyệt. Đồng thời, lượng máu mất đi sau mỗi kỳ kinh nguyệt nhiều hơn chu kỳ bình thường, thường trên 80ml máu kinh cho mỗi chu kỳ (bình thường là khoảng 50 – 80 ml/ chu kỳ). Khái niệm này cần phân biệt với rong huyết. Đây cũng là tình trạng ra máu kéo dài trên bảy ngày nhưng lại không mang tính chu kỳ. Lượng máu có thể ít, trung bình hoặc nhiều. Trong trường hợp rong kinh nếu kéo dài trên 15 ngày sẽ trở thành rong huyết và được gọi là rong kinh rong huyết.
Rong kinh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, từ tuổi dậy thì, tuổi hoạt động sinh dục đến tuổi tiền mãn kinh. Trong đó, tuổi dậy thì, thời điểm mới bắt đầu hành kinh, chu kỳ kinh nguyệt chưa thực sự hoàn chỉnh và rong kinh là một dạng rối loạn rất thường gặp, gọi là rong kinh tuổi dậy thì. Đây là một khái niệm riêng biệt, khác hẳn với những trường hợp rong kinh trong những lứa tuổi khác; vì vậy, cần có một hướng tiếp cận đặc thù.
Nguyên nhân rong kinh tuổi dậy thì là gì?
Ngay sau chu kỳ hành kinh đầu tiên, cột mốc dậy thì đã được đánh dấu. Cơ thể trẻ sẽ có những bước phát triển vượt bậc về ngoại hình theo hướng nữ, hoàn thiện cơ quan sinh dục cũng như những thay đổi về tâm sinh lý kèm theo.
Trong vòng hai năm sau đó, các thiếu nữ thường có vòng kinh không đều vì không có phóng noãn. Nguyên nhân là do hoạt động nội tiết của vùng dưới đồi – tuyến yên hoặc buồng trứng chưa trưởng thành. Estrogen tăng lên kéo dài trong khi buồng trứng lại không phóng noãn, không tạo hoàng thể. Theo đó, progesteron không được chế tiết ra, đây là một yếu tố cần thiết giúp nội mạc tử cung bong gọn và triệt để, tránh bị rong kinh.
Hệ quả là không có hiện tượng bong tróc nội mạc lòng tử cung xảy ra hay xảy ra không hoàn toàn. Lớp nội mạc được kích thích cứ dày lên mãi trong khi mạch máu không tăng trưởng kịp nên không đủ máu nuôi, dẫn đến hoại tử và bong ra từng mảng, gây ra huyết nhiều và kéo dài.
Rong kinh ở tuổi dậy thì còn gọi là rong kinh tuổi trẻ vì thường xảy ra trong vòng năm sau sau cột mốc dậy thì. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường và sẽ tự thuyên giảm, vòng kinh sẽ ổn định dần khi trẻ lớn hơn, cơ thể phát triển hoàn chỉnh.
Trong thời gian này, chu kỳ kinh nguyệt thường không đều, chu kỳ có thể ngắn hay dài hơn bình thường một cách vô cùng bất định. Trong các lần thấy xuất hiện máu kinh, có một số lần sẽ không được xem là chu kỳ kinh nguyệt thực sự, vì không có sự phóng noãn. Đó là các “chu kỳ” dài và kèm theo rong kinh. Máu kinh đào thải ra ngoài có thể nhiều về số lượng cũng như số ngày hành kinh. Đôi khi trong những ngày đầu, máu kinh ra ồ ạt như một chu kỳ bình thường nhưng sau đó lại không giảm hẳn mà sẽ kéo dài nhiều ngày sau đó. Hoặc trong các trường hợp khác, bé gái lại thấy lượng máu kinh xuất hiện rất ít ngay từ ngày đầu và rề rà liên tục như vậy rất lâu trước khi dứt hẳn.
Chính điều này khiến các bé gái trong tuổi dậy thì cũng như phụ huynh vô cùng lo lắng. Đồng thời, nếu chưa có ý thức vệ sinh kỹ lưỡng, môi trường này vô cùng lý tưởng cho vi trùng sinh sống và gây bệnh, gây lây lan viêm nhiễm và có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.
Mặt khác, tình trạng mất máu rỉ rả kéo dài dễ dẫn đến thiếu máu thiếu sắt, làm trẻ xanh xao, mệt mỏi, giảm khả năng tập trung học hành cũng như hạn chế sự phát triển thể lực. Bên cạnh đó, “đèn đỏ” liên tục nhiều ngày như vậy cũng ảnh hưởng tâm lý, khiến trẻ tự ti, sợ sệt, kém hòa đồng trong giao lưu, hoạt động thể chất cùng bạn bè đồng trang lứa.
Ngoài ra, rong kinh tuổi dậy thì đôi khi lại là biểu hiện đầu tiên của các bệnh lý tiềm ẩn trong hệ sinh dục hay các bệnh lý huyết học, các rối loạn đông cầm máu. Vì vậy, không nên chủ quan mà cần thăm khám để can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ sau này.
Chu kỳ kinh nguyệt thường không đều
Nguyên tắc điều trị rong kinh ở tuổi dậy thì là can thiệp điều hòa tính ổn định của nồng độ các loại hormone trong cơ thể theo đúng quy luật.
Nguồn hormone ngoại sinh bổ sung chủ yếu là từ các loại thuốc ngừa thai với loại hormone và liều lượng được cân chỉnh theo ngày trong vòng kinh. Theo đó, bác sĩ sẽ chỉ định viên thuốc tránh thai kết hợp hay riêng lẻ tùy vào đặc điểm của từng trẻ. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm hormone oxytocin nhằm tăng co tử cung trong những ngày đầu hành kinh để sự tống xuất máu kinh hiệu quả và triệt để hơn, tránh ra máu kéo dài.
Các biện pháp điều trị bằng thuốc tránh thai như trên hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới việc thụ thai và sinh con sau này. Rong kinh tuổi dậy thì chỉ cần can thiệp trong hai năm đầu; khi vòng kinh ổn định sẽ rút dần liệu pháp hormone bổ sung này và chấm dứt hẳn. Đồng thời,việc điều trị rong kinh cần thực hiện càng sớm càng tốt. Nếu để kéo dài nhiều tháng nhiều năm, rong kinh dẫn đến thiếu máu nặng, sức khỏe suy giảm cũng như những tổn thương trên vùng dưới đồi – tuyến yên khó hồi phục, hiệu quả điều trị đạt được rất kém. Hệ quả là trẻ dễ bị rong kinh tái phát nhiều lần trong tương lai hay bị vô sinh do khó hoặc không phóng noãn.
Rong kinh tuổi dậy thì là những rối loạn thường gặp ở các trẻ em gái mới lớn. Nếu được cha mẹ quan tâm đúng mức và tích cực can thiệp, những rối loạn này rất dễ dàng điều chỉnh, tạo nền tảng vững chắc cho con trưởng thành một cách tự tin và khỏe mạnh.