Các dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt tuổi dậy thì

Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên mà mỗi người phụ nữ khi trưởng thành đều phải trải qua. Nhiều bạn nữ trong quá trình dậy thì có những bất thường về kinh nguyệt, thường gọi là rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì, những rối loạn này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý, do đó cần khám chuyên khoa sớm.

  1. Kinh nguyệt ở tuổi dậy thì

Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường, biểu hiện là chảy máu ra ngoài âm đạo do bong niêm mạc tử cung. Tuổi dậy thì được đánh dấu bằng kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Kinh nguyệt có tính chất định kỳ hàng tháng, là kết quả của sự thay đổi nội tiết buồng trứng trong cơ thể.

Ở tuổi dậy thì, kinh nguyệt có thể chưa đều trong khoảng 1-2 năm đầu kể từ khi bắt đầu có kinh do hoạt động của hệ thống trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng chưa hoàn chỉnh.

  1. Kinh nguyệt bình thường

Kinh nguyệt bình thường khi thiếu nữ tuổi dậy thì bắt đầu có kinh từ 11-18 tuổi, vòng kinh bình thường khoảng 22-35 ngày, trung bình là 28-30 ngày, thời gian hành kinh từ 3-7 ngày. Lượng máu kinh bình thường nếu bạn phải thay 3-5 lần băng vệ sinh mỗi ngày. Màu kinh có màu đỏ tươi, không đông, mùi hơi nồng, không tanh.

Kinh nguyệt bình thường của thiếu nữ dậy thì khoảng từ 11 - 18 tuổi

Kinh nguyệt bình thường khi thiếu nữ dậy thì bắt đầu có kinh từ 11 – 18 tuổi

  1. Các dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt tuổi dậy thì

Kinh nguyệt không bình thường còn gọi là rối loạn kinh nguyệt. Các trường hợp kinh nguyệt bất thường như:

  • Vô kinh nguyên phát: Đây là tình trạng xảy ra khi bạn nữ đã quá 18 tuổi mà vẫn chưa hành kinh.
  • Vô kinh thứ phát: Quá 3 tháng chưa hành kinh nếu trước đó kinh rất đều và quá 6 tháng chưa hành kinh nếu trước đó kinh không đều.
  • Vô kinh giả: Là tình trạng máu kinh vẫn có nhưng màng trinh kín hoặc cổ tử cung bị dính nên máu kinh không chảy ra ngoài, còn gọi là bế kinh.
  • Rong kinh: Nếu quá trình hành kinh kéo dài trên 7 ngày.
  • Kinh ít: Lượng máu kinh ra rất ít.
  • Kinh nhiều: Lượng máu kinh nhiều hơn bình thường, trên 60 ml trong cả kỳ kinh.
  • Kinh thưa: Vòng kinh dài trên 35 ngày.
  • Kinh mau: Vòng kinh ngắn dưới 21 ngày.
  • Băng kinh: Máu kinh ra rất nhiều, trên 150ml trong thời gian một vài ngày gây choáng váng, mệt mỏi đôi khi bị ngất xỉu.
  • Rong huyết: Ra máu không liên quan đến kỳ kinh.
  • Rong kinh: Ra máu kinh kéo dài trên 7 ngày.
  • Thống kinh: Đau bụng nhiều khi hành kinh, có thể bị mệt mỏi và ảnh hưởng sinh hoạt.
  • Kinh sớm: xảy ra ở những bé gái có kinh trước 10 tuổi.
  1. Nên làm gì khi bị rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì?
  • Đối với trường hợp đau bụng khi hành kinh, khi đi khám chuyên khoa, bạn có thể được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau loại kháng viêm không corticoid (paracetamol, ibuprofen, diclofenac…) hoặc thuốc viên tránh thai kết hợp. Không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Vô kinh: Có thể do rối loạn dinh dưỡng và tâm lý. Rối loạn dinh dưỡng có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chung của cơ thể, khắc phục các vấn đề về dinh dưỡng, giải tỏa các vấn đề tâm lý có thể giúp cải thiện tình trạng vô kinh. Tuy nhiên hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn và điều trị cụ thể.
  • Rong huyết hoặc ra máu bất thường có thể là do nhiễm khuẩn hoặc bất thường ở cổ tử cung. Khám và điều trị nếu có nhiễm khuẩn đường sinh sản, và nên thực hiện các xét nghiệm tế bào học cổ tử cung tầm soát ung thư.
  • Các trường hợp như kinh thưa, kinh mua, kinh ít cần phải theo dõi kỹ, nếu có dấu hiệu ảnh hưởng đến sức khoẻ cần lập tức đi khám.
  • Các trường hợp rối loạn kinh nguyệt khác cần đến bệnh viện để chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Rối loạn kinh nguyệt cần đến bệnh viện để chẩn đoán chữa trị kịp thời

Rối loạn kinh nguyệt cần đến bệnh viện để chẩn đoán chữa trị kịp thời

  1. Lời khuyên cho bạn gái tuổi dậy thì
  • Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên, gây ra do sự thay đổi giải phẫu và sinh lý bình thường của tuổi dậy thì, không phải là bệnh mà lo sợ. Khi hành kinh có thể bị đau bụng, cảm giác choáng váng, các trạng thái tâm lý bất thường hay xảy ra khi có kinh như cảm giác bứt rứt khó chịu, nhức đầu, lo âu, mất ngủ, biếng ăn…
  • Không nên quá lo lắng về các chu kỳ kinh nguyệt không đều thì vì kinh nguyệt không đều trong 1-2 năm khi bắt đầu có kinh có thể là bình thường.
  • Các bậc phụ huynh cũng cần hướng dẫn cụ thể cho trẻ cách giữ vệ sinh khi có kinh nguyệt, cách sử dụng băng vệ sinh.
  • Gia đình cần giải thích cho trẻ vị thành niên hiểu rõ khi đã có kinh nguyệt thì cũng sẽ có khả năng có thai nếu có quan hệ tình dục. Đồng thời, hướng dẫn cách phòng tránh thai, cách sử dụng bao cao su cũng như các biện pháp tránh thai an toàn.